Ông Thơ thừa nhận có tình trạng việc thi tuyển công chức ở một vài nơi không được công bằng, có nơi bố trí nhân lực còn ưu ái.
Phê bình lãnh đạo vì vắng mặt
Ngày 2/6, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cùng Giám đốc sở Nội vụ TP.Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng chủ trì buổi gặp mặt các nhân tài là học viên Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (gọi tắt Đề án 922).
Theo ghi nhận của chúng tôi, buổi gặp mặt diễn ra sau loạt lình xình khi có hàng chục nhân tài trong dự án xin ra đi. Đối thoại cũng được kỳ vọng sẽ tìm ra giải pháp xử lý thực trạng này.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ (phải) phê bình nhiều lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện... vì vắng mặt trong buổi họp.
Tuy nhiên, ngay khi mở đầu cuộc gặp gỡ, đối thoại, ông Thơ đã bức xúc phê bình 1 loạt lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện... trên địa bàn khi không tham dự. Theo ông Thơ, vấn đề lớn trong câu chuyện nhân tài xin nghỉ là việc các sở, ngành, quận, huyện sử dụng nguồn nhân lực như thế nào? Nay các lãnh đạo ấy lại không có mặt thì đối thoại sẽ không minh bạch.
"Người lãnh đạo phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để kịp thời giải quyết. Không thể cứ chờ đến buổi gặp của Chủ tịch thành phố... Không vui vẻ gì khi bắt đầu buổi đối thoại đã phê bình Chủ tịch quận, huyện, nhưng đó là sự thật. Bây giờ nói chỉ để các học viên đề án nghe, mà không có đơn vị, cơ quan sử dụng nhân lực chất lượng cao. Người cần nghe thì không đến để nghe", ông Thơ thẳng thắn chia sẻ.
Câu chuyện ưu ái
Nhìn lại chặng đường đào tạo học viên đề án của TP.Đà Nẵng, ông Thơ cho rằng, hiệu quả của đề án là rất cơ bản. Trong số các nhân tài được đào tạo này đến nay đã có người giữ chức Phó Giám đốc sở... Ông Thơ gọi những học viên nhân tài này là vốn liếng quý giá nên phải tiếp tục được chăm bẵm nuôi dưỡng, phát huy.
Các học viên đề án, các nhân tài mong muốn được tin tưởng, giao trọng trách và thêm các phúc lợi xã hội.
Tuy nhiên, nói về điểm chưa được, ông Thơ nhắc lại câu chuyện gần 40 nhân tài trong đề án xin rút. Vị Chủ tịch nhìn nhận có nhiều lý do khiến nhân tài ra đi như do cá nhân, do môi trường làm việc, do sự bố trí công việc chưa phù hợp, việc biên chế còn khó khăn… “Có hiện tượng ưu ái vài vị trí dù không nhiều. Có những nơi phân công bố trí công tác không phù hợp, một số cán bộ làm không được việc lắm nhưng nằm ở vị trí đó rồi mà đơn vị sử dụng lao động vẫn không cố gắng thay đổi, hay những người đã có “ghế sẵn” vì sự ưu ái quyền lợi. Còn anh đi học về có kiến thức, chuyên môn cần được đưa vào để tiến bộ thì không được mạnh dạn phân công”, ông Thơ nói.
Người đứng đầu chính quyền TP.Đà Nẵng cũng cho rằng, đội ngũ cán bộ trẻ nhìn nhận rất sắc sảo, dễ thấy những điều bất công, không minh bạch. Nhiều khi các nhân tài không cần tiền nhiều mà cần sự công bằng.
Tại cuộc gặp mặt, nhiều học viên nhân tài cũng đã mạnh dạn nói lên tâm tư, suy nghĩ, kiến nghị của mình. Đại đa số đều cho rằng, họ cần được hỗ trợ thêm về mặt phúc lợi xã hội. Các học viên cũng kiến nghị cơ quan, đơn vị sử dụng lao động cần thể hiện sự tin tưởng, khích lệ để tạo động lực cho họ tự tin thích nghi, phát huy các điểm mạnh của mình. Cạnh đó, họ mong được quan tâm giải quyết các nguyện vọng chuyển đổi vị trí việc làm trong nội bộ cơ quan và chuyển đến cơ quan khác của học viên đề án.
Có 460/616 học viên theo học đã được bố trí công tác tại các sở, ngành, trong đó có trên 50 người hiện giữ các chức vụ từ trưởng, phó phòng đến Phó giám đốc sở. Có 93 học viên xin rút khỏi đề án và được thành phố đồng ý. Bên cạnh đó, có 47 học viên bị buộc ra khỏi đề án.
Nhận xét
Đăng nhận xét